Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Giúp em gái né cám dỗ

Đa phần giới trẻ đều cho rằng đã có tình yêu là phải đi liền với tình dục. Nhiều bạn gái chưa yêu hoặc không muốn yêu dâng hiến còn bị chê là “quê mùa”. Vì vậy các bạn gái “quê” ấy không biết nên né chuyện tình dục thế nào. Cách tốt nhất bạn nên lắng nghe linh cảm của mình. Nếu cảm thấy không yên tâm khi gần một người nào thì nên tránh đi chơi riêng với họ. Không ăn mặc quá khêu gợi, dù không phải luôn xảy ra sự khơi gợi thèm muốn, nhưng ăn mặc kín đáo vẫn an toàn hơn. Không uống bia, ruợu trong những cuộc hẹn hò vui chơi. Nếu đã đi chơi, khi cảm thấy không an toàn, cố gắng chuyển hướng cuộc đi chơi, cuộc hẹn hoặc tìm lý do gia đình, học hành nào đó để thoái lui. Bạn trẻ phải biết bảo vệ mình ngay từ xa, tránh đưa mình vào những tình huống khó từ chối, lý trí không vượt qua được cảm xúc. Trong các cuộc hẹn hò vui chơi ở nơi xa vắng, nguy cơ không kiểm soát được bản thân rất dễ xảy ra. Các bạn nữ có thể bị thúc ép và khó có thể cưỡng lại khi bạn trai đã có ý “muốn”. Vì thế, đừng bao giờ hò hẹn nơi vắng vẻ với một người mình chưa tin và đã có cử chỉ thiếu tế nhị hay đi quá xa giới hạn một cuộc gặp gỡ bình thường.

Bạn gái đừng để những sự vuốt ve mơn trớn xảy ra, vì những hành vi đó sẽ rất gợi dục dễ đẩy cảm xúc lên cao trào và cũng là nguy cơ tiến xa khó dừng... Các em cần tránh những nụ hôn kèm với bàn tay “đi du lịch”, đó có thể không hẳn là yêu mà chủ yếu có ý đồ lạm dụng. Dù thế nào, bạn cũng phải biết cách bảo vệ mình, luôn tự chủ, cảnh giác và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Hãy tế nhị trong ứng xử và chú ý đến tâm tình của bạn trai mình. Nếu người yêu không chú ý đến những gì bạn cảm nhận, nghĩ hoặc muốn, mà chỉ chăm chăm muốn đi đến tình dục, thì bạn nên dè dặt để hiểu ra ý đồ muốn chiếm đoạt của họ. Bạn gái nên ghi nhớ điều này: tình yêu là không tính toán, nhưng nếu đã đi đến dấn thân thì cần phải tính toán và sự tỉnh táo khi yêu sẽ giúp bạn gái có thêm nghị lực vượt qua những lời đường mật dụ dỗ tình dục.

SONG NHI

`Bố mẹ ơi, con muốn nói…`

Trẻ em vốn là những đối tượng còn non nớt và dễ tổn thương, luôn cần được quan tâm coi sóc về mọi mặt, đặc biệt là về sức khỏe. Vậy mà theo một nghiên cứu gần đây của Viện Tâm Lý Học Hoa Kỳ, trẻ em mắc phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần và tâm lý thường không được điều trị triệt để như người lớn. Cụ thể, thống kê cho thấy cứ 5 trẻ thì có 1 trẻ được chẩn đoán có vấn đề về tâm lý hoặc tinh thần, nhưng chỉ 1/3 số trẻ được chẩn đoán nhận được điều trị thực sự. Vì sao lại có tình trạng này?

Vì nhiều người lớn vẫn quan niệm, con nít thì chỉ chơi đùa, biết gì đâu mà bị vấn đề tâm lý này nọ. 

Vì đâu nên nỗi?

 “Hầu hết các bậc cha mẹ không muốn tin rằng con mình có vấn đề về tâm lý.” - William M. Klykylo phát biểu. Ông là tiến sĩ y học, giáo sư của Trường Đại Học Y Khoa Wright State ở Dayton, Ohio. “Nhưng một ngày nọ, nếu bạn cảm thấy con bạn có điều gì không ổn, hoặc nếu những người khác - như thầy cô hoặc người giúp việc - nói bạn rằng con bạn có những biểu hiện bất thường, bạn không nên chủ quan.”

"Bố mẹ ơi, con muốn nói…" 1
Nếu trẻ hiếu động, hung hăng hoặc nhút nhát quá mức thì phụ huynh hãy nhờ đến sự hỗ trợ của các bác sĩ hoặc chuyên gia về tâm lý. Ảnh minh họa

Các bậc cha mẹ không nên lơ là những dấu hiệu bất thường về mặt tâm lý của trẻ. Do còn nhỏ tuổi, nên phần lớn các bé không thể nhận thức hoặc nói lên vấn đề của chúng. Lỡ như đó là những triệu chứng của trầm cảm, tự kỷ hoặc ADHD (chứng rối loạn tăng động – giảm chú ý), sẽ rất thiệt thòi cho cả các bé lẫn phụ huynh, vì đây đều là những chứng tâm lý rất khó điều trị triệt để. 

Nhận diện các triệu chứng

Những biểu hiện tâm lý bất thường ở trẻ em sẽ khác nhau tùy vào độ tuổi và tính chất của triệu chứng. Nhiều triệu chứng trong số đó có thể xảy ra ở những bé rất nhỏ, chưa đến tuổi đi học. Tuy nhiên, có hai dấu hiệu đặc trưng nhất hiện diện ở mọi chứng tâm lý. Nếu các bậc cha mẹ phát hiện hai dấu hiệu bất thường này ở con mình, thì hãy mạnh dạn nhờ đến sự hỗ trợ của các bác sĩ hoặc chuyên gia về tâm lý trẻ em:

- Trẻ có những hành xử quá khích hoặc kỳ quặc so với lứa tuổi và giới tính của bé, chẳng hạn như hiếu động, hung hăng hoặc nhút nhát quá mức.

- Trẻ bỗng dưng thay đổi những hành vi hoặc cư xử vốn có của mình theo hướng tiêu cực mà lại không giải thích được; chẳng hạn như thành tích học tập bỗng dưng sa sút.  

Nhiều trẻ thậm chí có nhiều hơn một triệu chứng, khiến cho việc chẩn đoán trở nên khó khăn.

Sau đây là các dấu hiệu, triệu chứng tâm lý ở trẻ em được phân loại theo độ tuổi mà các bậc cha mẹ cần lưu ý.

Lứa tuổi tiền học đường và những năm đầu tiểu học:

- Hành xử không bình thường trong nhà trẻ hoặc trường mẫu giáo.

- Hiếu động quá mức so với các trẻ khác.

- Ngủ không yên giấc.

- Thường xuyên gặp ác mộng.

- Hay la khóc, bồn chồn và sợ hãi.

- Hung hãn hoặc không chịu vâng lời: về mặt lý thuyết, trong mỗi một đứa trẻ đều có tồn tại bản năng bất tuân và chiếm hữu. Nhưng nếu bản năng này được bộc lộ trên mức bình thường, dẫn đến những hành vi hủy hoại như hay đập phá đồ đạc, đánh nhau với bạn bè hoặc làm tổn thương vật nuôi, thì cha mẹ cần lưu tâm và can thiệp ngay lập tức.

- Hay nổi nóng, cáu kỉnh.

- Không thích rời xa cha mẹ hoặc một người thân nào đó: Hiển nhiên nhiều đứa trẻ sẽ la khóc do chưa quen với việc đi học hoặc rời xa cha mẹ. Nhưng nếu tình trạng này tiếp diễn không ngừng và kéo dài trên một tháng, đây cũng là một dấu hiệu không bình thường. 

Tuy nhiên, tiến sĩ Klykylo cũng nói thêm rằng một số triệu chứng tâm lý trên đây còn có thể là biểu hiện của một bệnh lý nào khác, chẳng hạn như rối loạn giấc ngủ. Nên việc tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn vẫn là giải pháp tốt hơn cả.

Lứa tuổi thiếu niên/trung học cơ sở:

Ở lứa tuổi này, các bậc cha mẹ nên để ý những mối quan hệ của con mình. Đây chính là một cách hữu hiệu để đánh giá tình trạng sức khỏe tâm lý và tinh thần của trẻ. Trẻ em ở độ tuổi này có thể có nhiều bạn hoặc ít bạn. Nhưng số lượng bạn bè không quan trọng bằng chất lượng: con bạn đang chơi với những loại bạn nào, và cách thức chúng duy trì những mối quan hệ đó ra sao. Nếu các mối quan hệ bạn bè của con bạn thường xuyên có xung đột, bạn hãy lưu tâm.

Sau đây là một số biểu hiện đáng chú ý:

- Hay lo âu hoặc sợ hãi quá mức.

- Quá hiếu động.

- Thành tích học tập sa sút bất thường.

- Thụ động, không còn hứng thú với các mối quan hệ bạn bè hoặc các hoạt động ưa thích thường ngày.

- Chán ăn.

- Giấc ngủ thất thường.

- Hay buồn bã kéo dài.

- Sử dụng thuốc hoặc chất kích thích.

- Nhìn thấy hoặc nghe thấy những chuyện không có thực.

 Tiến sĩ Klykylo lưu ý rằng, đứng từ góc độ của cha mẹ, sẽ rất khó để phán đoán được chuyện gì đang xảy ra với trẻ. Ông đề cập một ví dụ: “Trẻ em có thể bị trầm cảm, nhưng trầm cảm lại thường đi kèm với tính hiếu động”. Trong khi trầm cảm có thể dẫn đến chán ăn, nhưng nếu các em không chịu ăn uống đầy đủ hoặc chỉ ăn rất ít, nhiều khả năng trẻ đang bị chứng rối loạn ăn uống chứ không nhất thiết là trầm cảm.  

Lứa tuổi dậy thì:

Các em ở tuổi này vẫn có thể có những triệu chứng kể trên. Nhưng do các em đã lớn hơn, nên có thể diễn đạt và hiểu những rắc rối của bản thân. Ở lứa tuổi này, các bậc cha mẹ cần lưu ý thêm ở trẻ:

- Những hành vi mang tính hủy hoại, chẳng hạn như phá hoại tài sản, chơi đùa với lửa hoặc phóng hỏa.

- Hay dọa bỏ nhà đi bụi. Theo giáo sư Klykylo, đây thực ra là một hình thức trẻ tự làm tổn thương chính mình.

- Trở nên xa cách với gia đình hoặc bạn bè.

- Hay viết những dòng nhật ký, hoặc gửi những bình luận trên Internet có nội dung mang tính hủy hoại bản thân. 

Biện pháp hỗ trợ trẻ

Việc sớm nhận diện các vấn đề tâm lý ở trẻ em để nhanh chóng chẩn đoán và điều trị đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì chỉ khi được điều trị, các em mới có thể sớm hòa nhập với mọi người và được tiếp tục phát triển một cách bình thường.       

Thông thường, quá trình chẩn đoán và điều trị sẽ bắt đầu từ việc thu thập thông tin từ những người trực tiếp chăm sóc trẻ, các bài kiểm tra về tâm lý và sức khỏe để xác định nguyên nhân đích thực của triệu chứng. Đối với trẻ em, quy trình kiểm tra này cần phải được thực hiện thận trọng hơn bình thường, nhằm tránh lầm lẫn giữa các vấn đề tâm lý với những khuyết tật bẩm sinh (như chứng khó đọc hoặc chậm phát triển).

Những trẻ được chẩn đoán là có vấn đề về tâm lý sẽ được cung cấp một kế hoạch điều trị, trong đó bao gồm các liệu pháp tâm lý và đôi khi có cả việc dùng thuốc. Kế hoạch điều trị được vạch ra và thống nhất bởi cả hai phía bác sĩ điều trị và phụ huynh. Sẽ có một số trường hợp nhất định cần tham khảo cả ý kiến của trẻ để quá trình điều trị được diễn ra thuận lợi.     

Tóm lại, nếu bạn có thắc mắc hoặc nghi ngờ về các biểu hiện tâm lý của trẻ, việc đầu tiên và tốt nhất bạn có thể làm chính là tìm đến các bác sĩ nhi khoa hoặc các chuyên gia tâm lý để có câu trả lời thực sự chính xác.

PHAN NGUYỄN KHÁNH ÐAN


Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Những món nên cho trẻ ăn trong bữa sáng

1. Sữa tươi hoặc sữa công thức: Cần luôn được duy trì vì sữa là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu cho mỗi bữa sáng. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý nếu trẻ chỉ uống một ly sữa buổi sáng sẽ vẫn không đủ năng lượng cho cả ngày học tập ở trường của trẻ, cần cho trẻ ăn thêm các món ăn khác kèm theo để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Đặc biệt, nếu trẻ chưa đủ 1 tuổi, sữa vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các chất dinh dưỡng và vitamin thiết yếu cho trẻ. Trẻ ở giai đoạn ăn dặm, ngoài bữa ăn dặm buổi sáng, người mẹ vẫn cần cho trẻ bú thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức ngay sau đó để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi của trẻ.

2. Yến mạch: Yến mạch không chỉ giúp trẻ thông minh mà còn rất tốt trong việc giảm cholestorel trong máu, tăng cường hệ miễn dịch. Chỉ mất khoảng 15 phút để nấu yến mạch cán mỏng mỗi sáng là mẹ đã có một bát cháo yến mạch hoặc yến mạch trộn sữa công thức (sữa tươi) ngon lành cho bữa ăn sáng của trẻ. Người mẹ khi chế biến yến mạch cho trẻ cần chú ý không nên sử dụng loại yến mạch ăn liền cho trẻ dưới 1 năm tuổi vì loại này có chứa rất nhiều đường.

3. Trứng: Trứng có chứa nguồn protein và vitamin D dồi dào, là thực phẩm lý tưởng cho ngày mới tràn đầy năng lượng. Trẻ sơ sinh thường dễ bị dị ứng với lòng trắng trứng, nhưng lòng đỏ lại rất an toàn và là món ăn rất tốt cho bữa sáng. Luộc kỹ trứng, tách riêng lấy phần lòng đỏ, nghiền nát cho trẻ ăn hoặc trộn cùng với cháo. Người mẹ nên lưu ý, chỉ nấu hoặc kết hợp trứng cho trẻ ăn cùng với những món ăn quen thuộc để dễ dàng xác định được nguyên nhân xảy ra phản ứng dị ứng từ đâu.

4. Sữa chua: Một ly sữa chua trộn trái cây mà trẻ yêu thích vào buổi sáng sẽ là gợi ý tuyệt vời cho trẻ một nguồn dinh dưỡng và năng lượng dồi dào. Tuy nhiên, do các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động rất mạnh nên cũng rất dễ làm hỏng men răng, nhất là răng trẻ nhỏ, người mẹ lưu ý khi cho trẻ ăn sữa chua xong nên cho trẻ uống thêm vài muỗng nước lọc tráng miệng. Trong thành phần sữa chua, các chất đạm, chất béo có sẵn trong sữa đã được tiêu hóa một phần, rút ngắn thời gian hấp thu trong hệ thống tiêu hóa. Đường lactose đã được lên men nên dễ hấp thu, làm giảm lượng đường tồn đọng lại ở hệ tiêu hóa tránh được tiêu chảy, giúp cho cơ thể hấp thu canxi và một số khoáng chất khác dễ dàng hơn.

Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý không nên cho trẻ ăn sáng bằng việc tận dụng thức ăn thừa từ tối hôm trước để nấu mì, phở hay cháo, chiên cơm cho trẻ ăn sáng để tiết kiệm thời gian và thực phẩm là thói quen của nhiều người mẹ, đây chính là một sai lầm lớn. Sau khi thức ăn thừa để qua đêm, rau sẽ có thể sản sinh ra nitric (một chất gây ung thư), ăn vào sẽ có hại cho sức khỏe con người. Thịt để qua đêm cũng sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, thực phẩm mì ăn liền, hay đồ ăn nhanh “kiểu Tây”… đều không nên cho trẻ dùng trong bữa sáng. Những món ăn này tuy chế biến nhanh chóng, nóng, trẻ rất thích ăn nhưng hàm lượng calorie lại rất thấp và hoàn toàn bị mất cân đối về các chất dinh dưỡng cần thiết, vì khẩu phần của chúng thường thiếu các vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất dinh dưỡng khác.

BS Đinh Thạc

(Theo Gia đình & Xã hội)

`Làm hại` con vì… đồ chơi

Cho trẻ chơi bất kỳ thứ gì, mua cho trẻ con cả thùng đồ chơi, mua bất kỳ món đồ chơi nào trẻ đòi, mua vì thấy “bắt mắt”... là tâm lý chung của nhiều bậc cha mẹ hiện nay. Và khi trẻ tự “mày mò” trong mớ hỗn độn đồ chơi ấy, những tai nạn đáng sợ đã xảy ra...

Hóc... đồ chơi - tai nạn đáng sợ

Liên tiếp trong thời gian qua, những ca hóc dị vật, tai nạn thương tích vì đồ chơi phải nhập viện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc làm cha mẹ. Mới đây nhất, vào đầu tháng 4, BV. Nhi Đồng 2 TP.HCM đã tiếp nhận bé Nguyễn Duy K., 3 tuổi, nhà ở Biên Hòa, Đồng Nai, nhập viện vì ho, khò khè kéo dài cả tháng mà điều trị không khỏi. Khai thác bệnh sử từ mẹ bé thì được biết, 1 tháng trước đó, trong lúc đang chơi với cây kèn nhựa, bé đột ngột bị ho sặc sụa, nước mắt nước mũi giàn dụa, cây kèn bé chơi đã bị mất một mẩu nhỏ ở đầu kèn. Dựa vào thông tin này, các bác sĩ đã nghi ngờ bé K. bị dị vật lọt đường thở dù phim X-quang chụp hình phổi không thấy gì đặc biệt. Tuy nhiên, khi khám phổi cho bé, các bác sĩ đã nghe được một âm thanh rất đặc biệt như tiếng “te te” như tiếng của không khí khi thổi qua một ống hẹp và rỗng. Một tuần theo dõi bé K. tại BV, sau khi đã điều trị kháng sinh và kháng viêm tích cực, các BS tại đây đã quyết định nội soi phế quản cho bé để kiểm tra dị vật và gắp ra nếu có. Kết quả, các bác sĩ đã lôi ra khỏi đường thở của bé một mẩu nhựa trắng hình ống dính rất nhiều đàm nhớt. Đây đúng là bộ phận thường được gắn ở phía trong đầu kèn nhằm tạo âm thanh khi thổi. Vài ngày sau, bé K. khỏe hẳn và xuất viện.

Cũng nhập bệnh viện nhi trong tình trạng ho, quấy khóc, liên tục đưa tay móc vào miệng, bé L.V.A, 2 tuổi, ngụ TP.HCM, được BS của BV. Tai Mũi Họng xác định có dị vật là búi tơ như lông tóc vướng trong đường thở. Tiến hành nội soi gắp dị vật, một búi nhỏ, xốp bằng hạt ngô do sợi những sợi lông bằng nilon kết thành. Theo lời kể của mẹ bé, bé A có “thói quen” dứt, gặm lông của mấy con thú nhồi bông chị mua để bé chơi và chèn bé khi ngủ. Trường hợp khác, cha mẹ bé Q., 3 tuổi (ngụ tại Tân An - Long An), đã phải một phen chết điếng khi phải đưa con nhập BV. Nhi Đồng 1 vì lỡ “quăng” mấy đồng tiền xu (được thối lại khi đi siêu thị) cho con chơi. Hậu quả là bé Q. nghịch bỏ tiền vào miệng và đồng xu “lạc chỗ” vào thực quản. Cũng may, do được phát hiện kịp thời, bé được đưa ngay vào BV cấp cứu và được nội soi gắp dị vật ra.

Không may mắn như các trường hợp trên, đã có trẻ bị tử vong do biến chứng của hóc dị vật từ đồ chơi. Thủ phạm gây ra cái chết thương tâm cho bé trai N.T.Đ. (2 tuổi, ngụ tại TP.HCM) chỉ là chiếc đinh vít bé xíu rơi ra từ đồ chơi có chiều dài 5mm và dày 6mm. Trước nhập viện ít ngày, khi chơi trong nhà, bé Đ. có biểu hiện ho sặc sụa. Dù người nhà phát hiện nhưng không chú ý vì cho rằng bé chỉ bị ho bình thường. Những ngày sau đó, bé có biểu hiện khó thở và mệt mỏi. Trong một lần ăn cháo, cháu bị ho sặc dẫn đến tím tái. Gia đình chuyển bé đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngưng tim ngưng thở, ngay lập tức bé được đặt nội khí quản trợ thở, tiến hành hồi sức tích cực. Tiến hành chụp X-quang, bác sĩ nhận thấy phế quản bên trái của bệnh nhi có chiếc đinh vít nhỏ nằm chắn ngang khiến phổi gần như bị xẹp hoàn toàn. Thời gian từ khi bé bị ho sặc lần cuối đến lúc nhập viện khá lâu nên bệnh nhi bị thiếu oxy nghiêm trọng dẫn đến chết não. Dù các bác sĩ đã tận tâm cứu chữa nhưng một ngày sau khi nhập viện cháu bé đã không qua khỏi.

Cẩn trọng lựa chọn đồ chơi cho trẻ

Những đồ chơi có nhiều chi tiết nhỏ, lại dễ bể, vỡ, tháo lắp... là nguyên nhân phổ biến của rất nhiều ca hóc dị vật ở bệnh nhi. Ngoài việc có thể hóc dị vật, trẻ cũng có thể nhiễm độc từ một số đồ chơi trôi nổi có chứa chì, các hóa chất độc hại từ chất liệu nhựa, nước sơn. Chúng sẽ đặc biệt nguy hiểm với những em bé có thói quen ngậm đồ chơi. “Tiêu biểu” cho loại này là những đồ chơi chứa pin, các loại bóng bay nhuộm phẩm màu, đồ nhựa tái chế. Tại BV. Nhi Đồng 2 đã cấp cứu nhiều ca nuốt pin gây ngạt đường thở; tổn thương đường tiêu hóa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên thị trường hiện có khá nhiều loại đồ chơi sử dụng pin và hầu như rất dễ tháo rời, rơi pin khi va đập hay trẻ tò mò cậy ra và... bỏ vô miệng. Thường gặp nhất là ở các loại pin tiểu nhỏ, pin nút. Trong khi đó, pin lại chứa rất nhiều chì, chất acid, nếu trẻ bị hóc lâu và pin phân hủy thì sẽ rất nguy hiểm.

Theo ThS.BS. Bùi Nguyễn Đoan Thư - Khoa Hô hấp chuyên sâu BV. Nhi Đồng 2, đối với trẻ nhỏ, đồ chơi nhiều màu sắc là một yếu tố thu hút các bé ngậm đồ chơi hoặc bỏ đồ chơi vào miệng. Trong khi trẻ nhỏ kể từ thời điểm mọc răng thường cắn, gặm đồ chơi. Do đó, cần hết sức cẩn thận và các bậc cha mẹ nên cố gắng cùng chơi chung với trẻ để vừa hướng dẫ trẻ chơi, vừa phòng ngừa các tai nạn. Để phòng tránh hiểm họa từ đồ chơi, các BS khuyên tốt nhất phụ huynh nên chọn cho trẻ đồ chơi có nguồn gốc rõ ràng, nguyên liệu dùng làm đồ chơi không gây độc hại, hình dạng không góc cạnh và không nên có những bộ phận tách rời khiến bé dễ nuốt vào và bị hóc sặc, đồ chơi phải đảm bảo vệ sinh, cấu tạo chắc chắn, an toàn, dễ rửa sạch; đồ chơi có ghi chú lứa tuổi phù hợp, không cho trẻ chơi với những dụng cụ sinh hoạt gia đình có nhiều chi tiết nhỏ; riêng đồ chơi dùng pin thì nên chọn loại có hộc pin được gắn chặt. Song song đó, cần chú ý hơn tới sức khỏe con em mình, không nên chủ quan khi thấy con trẻ bị ho sặc và nên biết cách xử lý khi trẻ hóc dị vật và đưa trẻ tới cơ sở y tế kịp thời để được xử lý và điều trị.

TU N NGUYỄN

Chọn đồ chơi thông minh và an toàn theo lứa tuổi của bé

Dưới 4 tháng tuổi: nên mua cho bé những món đồ chơi có tác dụng phát triển thị giác, thính giác và các động tác của cơ bàn tay, là những món đồ chơi có kích thước hơi to để bé dễ quan sát và không gây nguy hại cho bé, có màu sắc sặc sỡ, có âm thanh phát ra.

5 - 10 tháng tuổi: lúc này bé đã có thể giơ tay lên để cầm nắm, bạn cần chọn cho bé những đồ chơi dễ cầm nắm, phát quang, phát ra âm thanh và dễ lay động được.

11 - 18 tháng: bé đã biết đi, nên mua cho bé những món đồ chơi phát ra âm thanh và có thể chuyển động được như xe tập đi, xe đẩy, xe kéo dành cho trẻ nhỏ… nhằm giúp bé tập đi và có hứng thú rèn luyện những kỹ năng vận động khác như chạy, nhảy, leo trèo...    

18 tháng - 3 tuổi: bé thích bắt chước và tập làm theo những động tác của người lớn. Tư duy của bé mang tính trực quan hình tượng, nên sắm cho trẻ những đồ chơi có tính chất mô phỏng lại cuộc sống xã hội như:  chơi nấu ăn, chơi trò bác sĩ, chơi mua bán hàng…

4 - 5 tuổi: bé đã lớn và không còn hứng thú với những đồ chơi có chi tiết đơn giản mà thích những thứ có khả năng cử động như búp bê phải cử động được chân tay, mắt hay thay được quần áo...     

5 - 6 tuổi: bạn nên chọn mua những đồ chơi phát huy trí thông minh của bé như: đất sét, đồ chơi xếp hình, tranh động vật, tranh tô màu, trò chơi điện tử…      

ThS.BS. ĐINH THẠC

5 dấu hiệu cảnh báo sớm trẻ mắc tự kỷ

Theo Medicalxpress, một thống kê gần đây của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh dịch Mỹ cho thấy tỷ lệ trẻ bị tự kỷ đang ngày càng tăng, cứ 88 bé thì có một em bị tự kỷ. Tại Việt Nam, thống kê của ngành giáo dục Hà Nội, tự kỷ là khuyết tật có tỷ lệ cao nhất ở trường học, chiếm 30% học sinh mắc các khuyết tật học đường. Con số này được cho là chưa phản ánh hết thực trạng vì còn rất nhiều trẻ tự kỷ không thể đến trường. Thông tin liên quan đến hội chứng này ở Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng còn nhiều hạn chế, vì vậy có thể ảnh hưởng đến việc điều trị cho trẻ.

Connie Kasari, giảng viên Tâm lý Phát triển con người và Tâm lý tại UCLA, đưa ra 5 dấu hiệu cho thấy trẻ có thể bị tự kỷ, giúp cha mẹ sớm nhận biết và điều trị kịp thời cho con:

Trẻ không phản ứng khi được gọi tên

Trẻ tự kỷ thường không phản ứng khi được gọi tên, trong khi bé dưới một tuổi phát triển bình thường sẽ phản ứng với tên của mình bằng cách hướng sự chú ý vào người gọi.

Trẻ tự kỷ phản ứng với âm thanh, song có chọn lọc. Ví dụ, trẻ tự kỷ có thể không nhận ra cha mẹ đang gọi tên mình, nhưng lại đột ngột phản ứng bất ngờ với tiếng nói từ tivi. Nhiều phụ huynh nghĩ nhầm con em mình có vấn đề thính giác. Đây là dấu hiệu cho thấy cha mẹ cần để ý kỹ phản ứng của con mình hơn.

Trẻ không tham gia vào cuộc vui chung

Trẻ tự kỷ sẽ không hay nhìn theo hướng chỉ tay của người khác, không quan sát từ đồ vật sang người, cũng không khoe hoặc chỉ đồ vật hoặc đồ chơi cho bố mẹ. Trong khi trẻ bình thường có xu hướng tham gia vào cuộc vui chung, thường nhìn theo hướng tay chỉ; hoặc khoe đồ chơi với người khác và cười đùa vui vẻ.

Trẻ không biết bắt chước

Trẻ con thường sẽ bắt chước người khác như vẫy tay, vỗ tay hay những cử chỉ tương tự khác. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ sẽ ít thể hiện biểu cảm nét mặt hoặc cử chỉ theo người khác, và đặc biệt trẻ không bắt chước.

Trẻ không đáp ứng cảm xúc

Trẻ thường luôn đáp ứng với người khác; chúng cười khi ai đó mỉm cười với chúng, khóc khi ai dọa nạt hay có biểu hiện gương mặt đáng sợ. Trẻ tự kỷ có thể không phản ứng với nụ cười hoặc lời mời chào của người khác, cũng không quan tâm hay bị chi phối bởi thái độ, nét mặt của người khác.

Trẻ không chơi các trò chơi giả vờ

Khả năng "chơi giả vờ" thường phát triển vào cuối tuổi lên 2. Ví dụ, trẻ có thể giả vờ là mẹ ru búp bê ngủ, chải tóc hay nấu ăn cho búp bê. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ thường không hề kết nối với các đồ vật, khả năng "chơi giả vờ" không xuất hiện ở trẻ tự kỷ dưới 2 tuổi.

Lê Nga

(Theo VNExpress)

Trẻ hiếu động

Những người làm cha, làm mẹ đều không thể vui được khi thấy con chậm chạp, kém linh hoạt so với bạn bè. Nhưng khi con quá hiếu động thì cũng chưa hẳn đã nên vui. Bởi, dấu hiệu kém tập trung - hiếu động chính là một loại bệnh mà nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời sẽ tiến triển ngày càng trầm trọng.

Biểu hiện để nhận biết

Tăng động giảm chú ý (TĐGCY) là bệnh lấy đi khả năng tập trung và chú ý của trẻ. Trẻ bị tăng động luôn bồn chồn và dễ xao lãng. Kết quả là sẽ rất khó để yêu cầu trẻ lắng nghe cô giáo giảng hay hoàn thành tốt một việc việc nhà. Biểu hiện chính của TĐGCY là không thể tập trung vào bất cứ việc gì. Trẻ gặp các rắc rối khi lắng nghe ai đó nói, hướng dẫn; hoàn thành nhiệm vụ hay một sinh hoạt cá nhân nào đó. Trẻ cũng thường hay mơ mộng và thường mắc lỗi. Trẻ mắc bệnh có xu hướng tránh các hoạt động đòi hỏi sự tập trung hay có thể gây ra sự buồn chán.

Trẻ hiếu động - đừng vội mừng 1 Trẻ quá hiếu động dễ xảy ra tai nạn

Một đặc điểm khác không thể thiếu đối với chứng TĐGCY là trẻ không thể ngồi yên một chỗ. Trẻ có thể chạy nhảy liên tục không ngơi nghỉ, dù ở bất kỳ điều kiện, không gian nào. Khi chúng ngồi xuống, chúng có xu hướng ngọ ngoậy, bồn chồn hoặc nhún nhảy. Một số trẻ bị tăng động giảm chú ý sẽ nói quá nhiều và thường khó chơi trong yên lặng.

Biểu hiện thứ 3 của TĐGCY là tính bốc đồng, tức là thường xuyên cắt ngang, phá vỡ những thứ khác hay buột miệng trả lời trước khi giáo viên kết thúc câu hỏi. Biểu hiện này cũng gây ra khó khăn khi trẻ phải chờ đợi hay suy nghĩ điều gì đó trước khi hành động.

Dựa trên các biểu hiện nói trên, bệnh được phân làm 3 thể chính:

Thể hiếu động và bốc đồng: thường gặp ở trẻ em khi có trên 6 biểu hiện về hiếu động và các biểu hiện về bốc đồng hoặc ít hơn 6 biểu hiện về kém tập trung.

Thể kém tập trung: thường gặp ở trẻ lớn và người lớn khi có ít hơn 6 biểu hiện về hiếu động và bốc đồng hoặc nhiều hơn 6 biểu hiện về kém tập trung.

Thể hỗn hợp vừa hiếu động vừa kém tập trung: ở trẻ lớn trên 7 tuổi với nhiều hơn 6 biểu hiện về kém tập trung và hiếu động, bốc đồng.

Tác động của bệnh đối với trẻ

Nếu không điều trị, bệnh TĐGCY có thể ảnh hưởng tới sự phát triển về mặt xã hội và trình độ học vấn của trẻ. Trẻ không thể tập trung trong công việc và học tập thường dẫn tới quá trình học không tốt ở trường.

Trẻ bị hiếu động thái quá, hay cắt ngang việc người khác có thể gây rắc rối trong việc kết bạn và giữ bạn. Sự tụt lùi này có thể dẫn tới sự ti và các hành vi có nguy cơ cao.

Chứng TĐGCY cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm và các rối loạn lo âu ở trẻ.

Cần điều trị kịp thời

Những người mắc bệnh TĐGCY thường gặp nhiều bất trắc, ở trẻ em thì dễ xảy ra tai nạn tại trường cũng như tại nhà và ảnh hưởng xấu đến các trẻ bình thường khác. Do đó, phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh có cuộc sống tốt hơn.

Việc điều trị hiện nay gồm can thiệp về tâm lý và hành vi (chẳng hạn như cải thiện môi trường học tập, làm việc); việc dùng thuốc cũng có cơ sở khoa học nhưng vì là bệnh có tính gia đình và trên não bộ của người bệnh có những bất thường về cấu trúc và hoạt động nên việc dùng thuốc điều trị cần có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

Khi trẻ có những biểu hiện của bệnh TĐGCY cần nhanh chóng đưa đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và xử trí kịp thời, hiệu quả.

BS. TRẦN QUỐC NINH

Bé “hảo” bánh kẹo có nên chiều?

Nếu bạn hỏi trẻ con thích gì nhất thì câu trả lời đầu tiên sẽ là kẹo bánh. Vì vậy mà khi các bà mẹ đi chợ về lúc nào cũng nhớ có chút quà bánh cho con, ai đi xa về cũng có “chút bánh kẹo làm quà”, trẻ con cũng rất thích Tết vì nhà nào cũng có bánh mứt lại được cho ăn uống thỏa thích… Bên cạnh thị trường đồ chơi trẻ con, kẹo bánh đã và đang là một thị trường phát triển mạnh nhất với nhiều chủng loại phong phú và mẫu mã đa dạng, màu sắc hấp dẫn.

Bánh kẹo có bổ không?

Bạn hãy thử nhìn vào thành phần dinh dưỡng và năng lượng của cái bánh được in trên nhãn hiệu bao bì. Bánh làm bằng chất bột rồi lại bổ sung đường ngọt, bơ hoặc dầu béo, kẹp nhân kem hay chocolate, đính thêm một miếng mứt hay trái cây khô phía trên…, toàn là những chất sinh năng lượng. Chất bột đường trong bánh kẹo được tiêu hóa hấp thu rất nhanh, chưa kể đến việc khi thích, bé có thể “nạp” một lúc cả chục cái bánh. Kẹo thì tuy rất ngọt nhưng lại cung cấp năng lượng rỗng do không kèm vitamin nên không có giá trị dinh dưỡng cao.

Sau khi cho trẻ ăn bánh kẹo cần cho trẻ đánh răng để phòng sâu răng.

Có nên cho trẻ ăn bánh kẹo?

Thật ra, đây là chuyện không thể cấm đoán. Có thể nói bánh kẹo là thực phẩm ít khi thiếu trong thực đơn hàng ngày của bé, do sự phổ biến của nó trong thực tế. Thế nhưng ăn bánh kẹo vào lúc nào, với số lượng bao nhiêu thì phải cân nhắc kỹ tuỳ vào từng trẻ.

Đa số trẻ gầy ốm thường ăn bánh kẹo lặt vặt trong ngày, làm cho khi tới bữa ăn chính, trẻ sẽ không có cảm giác thèm ăn và không thể ăn nhiều, hơn nữa quà bánh hay những gói snack và nhất là kẹo cũng không phải là những bữa phụ bổ dưỡng. Vì vậy, bánh kẹo có thể vẫn cho ăn nhưng phải được ăn ngay sau các bữa ăn chính hay phụ. Ví dụ như sau khi ăn đủ cơm hay uống hết ly sữa thì có thể ăn cả 10 cái bánh hay kẹo ngay cũng không sao.

Trẻ béo phì thì lại thích kẹo chocolate, bánh kem, chè… cao năng lượng, cộng với các bữa ăn bình thường thì tổng năng lượng vẫn dư và sẽ ngày càng tăng thêm lượng mỡ thừa. Vì vậy, những thức ăn vặt này cần được hạn chế hoặc nếu ăn thêm bánh thì phải giảm bớt cơm, ăn tăng rau…

Là một bác sĩ dinh dưỡng, tôi cũng đã gặp được cả hai thái cực: Một số bà mẹ rất định kiến với bánh kẹo, cho rằng chẳng bổ béo gì nên không cho trẻ ăn. Một số người lại rất vô tư cho trẻ thích ăn gì thì ăn, vì cho rằng cái nào cũng bổ. Có lẽ thái cực nào thì cũng không tốt. Điều quan trọng là cần có sự đa dạng trong ăn uống cho trẻ, nhưng vẫn chừng mực trong từng món ăn và khoa học về thời điểm cho ăn bánh kẹo.

Các bạn cũng không quên bánh kẹo chính là nguyên nhân số một gây sâu răng ở trẻ con, vì vậy, vệ sinh răng miệng là điều phải thực hiện thường xuyên, nhất là đối với những trẻ khoái ăn vặt.

BS. Đào Thị Yến Thủy (TT Dinh dưỡng TP.HCM)

Giúp em gái né cám dỗ

Đa phần giới trẻ đều cho rằng đã có tình yêu là phải đi liền với tình dục. Nhiều bạn gái chưa yêu hoặc không muốn yêu dâng hiến còn bị chê l...